KTXH tháng 3 và quý I năm 2019

27/03/2019 08:30 Số lượt xem: 128

Tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I theo giá so sánh 2010 ước đạt 37.131,3 tỷ đồng, giảm 5,6% so với quý I/2018, đây là mức giảm cao nhất kể từ năm 2015 đến nay[1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,3% và đóng góp 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng, chủ yếu do tăng ở nhóm cây thực phẩm. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,8% và làm giảm 6,95 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp giảm 9,4%, còn ngành xây dựng tăng 3,9%. Ở khu vực dịch vụ, mức tăng trưởng quý I năm nay cũng đạt thấp (+7%).

 Biểu KTXH tháng 3 và quý I năm 2019

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I theo giá so sánh 2010 ước đạt 37.131,3 tỷ đồng, giảm 5,6% so với quý I/2018, đây là mức giảm cao nhất kể từ năm 2015 đến nay[1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,3% và đóng góp 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng, chủ yếu do tăng ở nhóm cây thực phẩm. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,8% và làm giảm 6,95 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp giảm 9,4%, còn ngành xây dựng tăng 3,9%. Ở khu vực dịch vụ, mức tăng trưởng quý I năm nay cũng đạt thấp (+7%) và đóng góp 1,33 điểm phần trăm tăng trưởng.

2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2.1. Tài chính

Tính chung quý I, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.637,4 tỷ đồng, đạt 35,2% dự toán năm và tăng 7,3% so với quý I/2018. Trong đó, thu nội địa là 8.032,8 tỷ đồng, chiếm 83,4%, đạt 38% dự toán và tăng 6,2%; thu từ hải quan là 1.604,6 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán và tăng 13,4%. Thu ngân sách duy trì mức tăng ổn định, đã góp phần đảm bảo nguồn chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên của tỉnh. Quý I, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.905,5 tỷ đồng, đạt 27,7% dự toán năm và tăng 50,2% so với quý I/2018. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 3.205,5 tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán và tăng 59,7%; chi thường xuyên là 1.700 tỷ đồng, đạt 18,2% dự toán và tăng 34,9%. Sở dĩ, chi ngân sách quý I tăng cao là do tỉnh đã tập trung và ưu tiên cho đầu tư phát triển với nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giao thông, xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2. Ngân hàng - Tín dụng

Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 3 ước đạt 105 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so tháng trước, tăng 16,1% so cùng tháng năm trước và tăng 5,9% so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ đến cuối tháng 3 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng tháng năm trước và tăng 0,3% so với cuối năm 2018. Đối với nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tổ chức triển khai đồng bộ tổ hợp các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 3/2019, nợ xấu trên địa bàn còn 770 tỷ đồng, chiếm 0,95% tổng dư nợ. Nhu cầu chi tiêu tiền mặt của dân cư và các tổ chức tăng cao, công tác thanh toán được các ngân hàng thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác và an toàn tuyệt đối, nên lượng thu-chi tiền mặt qua ngân hàng tăng khá. Tính chung, tổng thu tiền mặt trong quý I ước đạt 120,1 nghìn tỷ đồng và chi tiền mặt đạt 119,7 nghìn tỷ đồng, bội thu tiền mặt ước đạt 400 tỷ đồng, cao hơn mức 300 tỷ đồng của quý I/2018.

2.3. Bảo hiểm

Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 1.221,3 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 96,7% dân số toàn tỉnh; so cùng kỳ năm trước, tăng 7,4% về số người tham gia và tăng 3,7% tỷ trọng so với dân số. Trong tổng số, có 1.217,7 nghìn người tham gia BHYT, chiếm 96,5% dân số, tăng 7,5%; 365,5 nghìn người tham gia BHXH, tăng 13,6%; 340,6 nghìn người đóng BHTN, tăng 6%. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 1.699 tỷ đồng, tăng 17,3% so cùng kỳ. Công tác chi bảo hiểm tiếp tục được thực hiện có hiệu quả qua hệ thống bưu điện, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối tượng hưu trí ở khu vực nông thôn. Quý I, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 1.122,9 tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp

3.1. Vốn đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 15.424,4 tỷ đồng, tăng 1,8% so với quý I/2018. Dự báo, từ quý II vốn đầu tư sẽ gia tăng hơn do có thêm một số DN FDI mới được cấp phép từ tháng 1 sẽ triển khai xây lắp nhà máy và dây truyền sản xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 200 triệu USD (tương đương gần 4.700 tỷ đồng). Riêng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong quý I đã chi 946,1 tỷ đồng cho hoạt động xây dựng cơ bản, chiếm 96,7%/tổng vốn đầu tư phát triển, tăng 35,3% so cùng kỳ năm trước.

3.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Tính từ ngày 01/01 đến ngày 15/3, Sở KH-ĐT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 373 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 6.400 tỷ đồng; so cùng kỳ năm 2018, tăng 18% về DN thành lập mới và gấp 2,4 lần về vốn đăng ký. Lũy kế đến ngày 15/3, trên địa bàn tỉnh có 14.457 DN được thành lập theo Luật DN với tổng vốn đăng ký là 211,3 nghìn tỷ đồng; trong đó có 2.084 DN đang bị khóa do vi phạm trong quá trình hoạt động. Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến ngày 21/3/2019, toàn tỉnh có 10.303 DN độc lập và 1.096 chi nhánh DN đang thực hiện nghĩa vụ NSNN. Qua gần 3 tháng, toàn tỉnh đã có 116 DN (14 chi nhánh) đã đóng mã số thuế, gấp 2,2 lần so cùng kỳ năm trước và có 225 DN (12 chi nhánh) tạm ngừng SXKD, gấp 1,7 so cùng kỳ năm trước; có 50 doanh nghiệp giải thể và 28 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động, nâng tổng số 1.715 DN giải thể và 310 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động.

3.2. Tình hình cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tính đến này 15/3, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án với tổng vốn đầu tư 459,2 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, tăng 16,1% về dự án và tăng 59,8% về vốn đăng ký. Đồng thời, cấp điều chỉnh cho 20 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 103,6 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.334 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 17.600 triệu USD.

3.3. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Từ những đánh giá, phân tích thực trạng sản xuất công nghiệp và tình hình đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự báo xu hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý II/2019 có nhiều khả quan hơn. Theo đánh giá, có 46,52% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh (SXKD) trong quý II/2019 sẽ tốt hơn và 37,97% cho rằng giữ ổn định so với quý I/2019 và có 15,51% đánh giá là khó khăn hơn.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

4.1. Nông nghiệp

a) Về trồng trọt: Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông năm 2018-2019 đạt 6.886 ha, đạt 97% KH vụ và tăng 1% (+66,5 ha) so với vụ đông năm trước, các địa phương có diện tích cây rau màu gieo trồng tăng là: huyện Tiên Du tăng 112 ha, Gia Bình tăng 48,4 ha, Lương Tài tăng 44,8 ha...

Sản xuất vụ xuân: đến ngày 15/3/2019, toàn tỉnh đã gieo cấy được 33.001 ha, vượt 1 ha so với KH vụ và bằng 97,5% so cùng vụ năm trước; trong đó diện tích gieo thẳng đạt 7.536 ha, tăng 11,3% và chủ yếu tập trung ở các huyện Lương Tài 3.416 ha, Quế Võ 3.050 ha, Gia Bình 706,6 ha và Thuận Thành 344,9 ha. Đến nay, 100% diện tích lúa xuân đã được chăm sóc đợt 1, lúa đang hồi xanh, sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương có tỷ lệ chăm sóc lúa đợt 1 đạt 100% là huyện Gia Bình, Tiên Du và thị xã Từ Sơn. Cùng với gieo cấy lúa xuân, nông dân trong tỉnh cũng tổ chức gieo trồng một số cây rau màu vụ xuân với 3.152,5 ha, đạt 70,5% so KH vụ và bằng 88,8% so cùng vụ năm trước.

b) Chăn nuôi và công tác thú y

Ước tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 2.400 con trâu, tăng 0,6% (+15 con) so cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 29.330 con, giảm 3,6% (-1.090 con); đàn lợn có 382.900 con, giảm 1%  (- 3.955 con); đàn gia cầm có 5.244 nghìn con, tăng 1,2% (+63 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng quý I ước đạt 24.280 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc gia cầm: Từ đầu năm đến nay, dịch LMLM đã xảy ra tại 352 hộ ở 107 thôn, khu phố thuộc 55 xã, phường, thị trấn của 7/8 huyện, thị xã, thành phố, làm 4.649 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 293 tấn. Ngày 16/1/2019, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 01 hộ thuộc thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du làm 1.377 con vịt mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 2.754 kg. Từ ngày 13/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh trên địa bàn tỉnh và đến ngày 21/3 đã xảy ra tại 51 hộ dân thuộc 23 xã, phường với tổng số 866 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 60,9 tấn.

4.2. Lâm nghiệp: Dự tính đến hết quý I, toàn tỉnh trồng được 68,4 nghìn cây phân tán, đạt 42,2% KH năm (riêng trong ngày 11/2/2019 - Tết trồng cây, toàn tỉnh đã trồng được 9.000 cây phân tán), đã góp phần tạo động lực cho phong trào trồng cây, gây rừng phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Cũng trong quý I năm 2019, toàn tỉnh khai thác được 713 m2 gỗ, giảm 2,3% so với cùng kỳ, sản lượng củi khai thác 1.012 ste giảm 1,7%.

 4.3. Thuỷ sản:. Ước tính đến cuối quý I, diện tích nuôi trồng thủy sản còn 5.205,8 ha, giảm 16,2 ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá 5.024 ha, chiếm 96,5%. Số cơ sở nuôi lồng bè trên sông tiếp tục tăng, đến cuối tháng 3 có 1.763 lồng, tăng 8,3% so cùng thời điểm năm 2018. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác quý I ước đạt 9.496 tấn, tăng 1% (+51 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng là 9.223 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 273 tấn, giảm 5,5% (-8 tấn) so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng chủ yếu ở phần nuôi lồng bè với 1.237 tấn, tăng 8,5%.

5. Sản xuất công nghiệp

5.1. Tình hình sản xuất công nghiệp

Tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy tăng cao (+31,3%) so tháng trước, nhưng vẫn giảm 17,8% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân là do tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán và có các lễ hội đầu xuân, còn tháng 3 năm trước sản xuất của các DN FDI đạt đỉnh và tăng rất cao. Tính chung 3 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 13,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 13,7%; ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 7,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1.

5.2. Sản phẩm công nghiệp: Cùng xu hướng với chỉ số sản xuất công nghiệp, các sản phẩm có lượng xuất khẩu lớn và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, đều có lượng sản xuất tăng khá so với quý I/2018, như: thuốc lá (+9,2%), thức ăn gia súc, nuôi trồng thủy sản (+9,2%), giấy và bìa (+3,9%), ruột phích và bình (+5,3%), điện thoại thông minh (+18%), đồng hồ thông minh (gấp 5,6 lần); pin điện thoại (+2,2%); tủ gỗ (+3,2%); salong gỗ (+14,9%),… Tuy nhiên, các sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và sự cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng loại nhưng có giá rẻ hơn đều có lượng sản xuất giảm là mỳ, phở, bún, cháo ăn liền (- 3,6%); vải tuyn (-21,5%); dược phẩm có vitamin (-5%); bê tông tươi (-29,9%); sắt thép dùng trong xây dựng (-29,3%); điện thoại thông minh (-18,4%); màn hình OLED (-18,5%); bình đun nước nóng (-10%); bàn gỗ (-31,5%),…

5.3. Về tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp: Mặc dù, sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng cao so tháng trước, nhưng chỉ số sử dụng lao động lại giảm 0,2% so với tháng trước và giảm tới 10,4% so cùng tháng năm trước. Nguyên nhân là do, sau Tết hầu hết lao động thời vụ đều chưa sẵn sang đi làm trở lại, đồng thời một số DN FDI tiếp tục ứng dụng tự động hóa trong một số công đoạn, nên đã cắt giảm bớt lao động.

6. Thương mại, dịch vụ và giá cả

6.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ

Tính chung, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng quý I ước đạt 13.775 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 10.783 tỷ đồng, chiếm 78,3% và tăng 13,6%. Một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn chỉ số chung là lương thực, thực phẩm (+15,3%); đồ dùng, trang thiết bị gia đình (+15,2%); ô tô các loại (+18,7%); đá quý và kim loại quý (+14,6%). Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ lại có xu hướng tăng thấp và sụt giảm về quy mô do lực lượng lao động nghỉ Tết kéo dài và chưa tìm kiếm được việc làm mới, mức tiêu dùng giảm, như: dịch vụ ăn uống, dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng, dịch vụ hành chính và hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí; đặc biệt dịch vụ kinh doanh bất động sản còn giảm 0,8% về tỷ trọng trong tổng doanh thu các ngành dịch vụ và giảm 3,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

6.2. Tình hình giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 3, tuy có hai mặt hàng là gas tăng 2,51% và giá xăng dầu điều chỉnh tăng 5,26% (ngày 2/3), nhưng CPI vẫn giảm 0,36% so tháng trước và chỉ tăng 0,01% so với tháng 12/2018. Qua 3 tháng, cho thấy CPI biến động không lớn, khi tháng 01 là tháng diễn ra nhu cầu tiêu dùng trọn thời gian trước, trong Tết nhưng cũng chỉ tăng 0,24% so với tháng trước; tháng 2, tháng sau Tết tăng chậm lại 0,12% và đến tháng 3 CPI đã giảm 0,36% theo đúng quy luật thời vụ. Chỉ số giá vàng và USD: Tính chung, bình quân giá vàng bán ra trong tháng 3 ở mức 3.664 nghìn đồng/chỉ, giảm 0,35% so tháng trước và tăng 0,2% so cùng tháng năm trước, nhưng sau 3 tháng đã tăng 4,69%. Trong khi đó, giá đô la Mỹ bán ra bình quân ở mức 23.253 đ/USD, tăng nhẹ (+0,04%) so tháng trước, tăng 2,04% so cùng tháng năm trước và giảm 0,46% so với tháng 12/2018. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, giá vàng tăng tương ứng +4,94% và +0,17% ; trong khi đồng đôla Mỹ lại biến động trái chiều, -0,51% và +2,17%.

6.3. Hoạt động ngoại thương

Về xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I ước đạt 7.014,6 triệu USD, giảm 16,6% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ xu hướng xuất khẩu của tháng 3 (+36,6% so tháng trước) cho thấy sang quý II kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao hơn do dòng điện thoại Samsung Galaxy S10 sẽ được bán rộng rãi trên thị trường thế giới.

Về nhập khẩu: Do sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế, nên các DN cũng giảm lượng nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 5.423,3 triệu USD, giảm 7,1% so với quý I/2018.

7. Vận tải, kho bãi và du lịch

7.1. Hoạt động vận tải:

Vận tải hành khách: Quý I, khối lượng hành khách (HK) vận chuyển ước đạt 8.506 nghìn HK, tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 400,6 triệu lượt HK.km, tăng 15%.. Vận chuyển hàng hoá, khối lượng vận chuyển quý I ước đạt 9.954 nghìn tấn, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 479 triệu tấn.km, tăng 9,9% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải,tổng doanh thu quý I ước đạt 1.852,2 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước.

7.2. Du lịch: Năm 2019, Bắc Ninh tổ chức kỷ niệm 10 năm Di sản văn hóa Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh đã tổ chức Festival từ ngày 13-28/2 với 36 hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, trong đó có hai tour du lịch miễn phí bằng xe buýt nối các điểm du lịch tâm linh trong tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức công bố Quyết định công nhận 11 điểm du lịch và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2019. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh trong quý I tăng khá. Tổng lượt khách ước đạt 590 nghìn lượt, tăng 18% so quý I/2018; tổng ngày khách ước đạt 710 lượt.ngày, tăng 22,4%; tổng doanh thu phục vụ (bao gồm cả doanh thu lưu trú và ăn uống) ước đạt gần 470 tỷ đồng, tăng 16,6%.

8. Các lĩnh vực xã hội

8.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội

Tiền lương trung bình năm 2018 trong các loại hình DN đạt 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,7% so với năm 2017. Mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 bình quân trong các DN có báo cáo là 5.944 nghìn đồng/người, tăng gần 15% so với Tết Nguyên đán năm 2018. Đối với CBCC, viên chức, cùng với việc tăng lương cơ bản, các đơn vị hưởng lương từ NSNN đều chi thu nhập tăng thêm từ 1-2 tháng lương, thu nhập tăng trên 8%, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, nên đời sống của của CBCC, viên chức tăng hơn. Các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả lương qua hệ thống bưu điện, kịp thời, an toàn, đúng đối tượng, nên đời sống ổn định. Ở khu vực nông thôn, sản xuất vụ đông tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, giá sản phẩm đầu ra giữ ở mức cao, nông dân có lãi khá; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè đạt hiệu quả kinh tế, đã góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn từ 10-12%. Bên cạnh đó, nhiều lao động ở khu vực nông thôn hiện đang làm việc trong các nhà máy, DN nên có thu nhập cao hơn. Vì thế, đời sống nông dân Bắc Ninh trong quý I ổn định và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng DN cùng chia sẻ, hỗ trợ cả về giá trị và hiện vật. Nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành và cộng đồng DN đã tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ trợ giúp xã hội. Toàn tỉnh đã phát 81.309 suất quà với tổng số tiền gần 53 tỷ đồng.

8.2. Lao động và việc làm

Tính chung quý I, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 6.116 lao động, đạt 22,7% KH năm, tăng 1,9% so với quý I/2018, trong đó xuất khẩu được 470 lao động, gấp 2,6 lần. Công tác đào tạo nghề tiếp tục được tinh gọn về tổ chức và biên chế, đồng thời cắt giảm bới thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Trong quý, Sở LĐ-TB-XH đã thẩm định và cấp 4 giấy chứng nhận bổ sung giáo dục nghề nghiệp; tổ chức phê duyệt kế hoạt đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng và đã tuyển sinh được 3.135 học viên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối quý I lên 66,3%.

8.3. Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục: Theo số liệu tổng hợp, kết thúc học kỳ I năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 459/483 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, chiếm 95%; trong đó cấp mầm non đạt 158/170 trường, chiếm 92,9%; Tiểu học 154/154 trường, chiếm 100%; THCS 124/136 trường, chiếm 92,6% và THPT công lập 23/23 trường chiếm 100%. Đến nay, ngành Giáo dục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 bể bơi theo đề án của UBND tỉnh; đồng thời tiếp tục đầu tư xây mới 16 bể bơi cho các trường Tiểu học, THCS và THPT tại các huyện, thị xã, thành phố; rà soát đánh giá hiện trạng công trình vệ sinh cho giáo viên và học sinh tại 100% cơ sở giáo dục, từ đó tham mưu với UBND tỉnh đầu tư sửa chữa, xây mới. Tính đến hết tháng 2/2019, tỷ lệ phòng học kiến cố cao tầng toàn tỉnh đã đạt 98,7%, riêng khối THPT công lập đã về đích với 100%.

Đối với các cuộc thi năm 2019, từ ngày 13-15/1 Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa lớp 12 năm 2019. Đội tuyển tỉnh Bắc Ninh dự thi cả 9 môn với 70 thí sinh và đều là học sinh lớp 11 và 12 của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Kết quả, có 59/70 thí sinh Bắc Ninh dự thi đạt giải gồm: 3 Nhất, 23 Nhì, 18 Ba, 15 Khuyến khích, chiếm 84%. Từ ngày 9-12/3, tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2018-2019, khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra. Trong đó, Bắc Ninh có 9 dự án với 18 học sinh tham gia cuộc thi. Kết quả, đoàn Bắc Ninh đạt 5 giải (1 giải Nhì, 3 giải Ba, 1 giải Tư), xếp thứ 6 toàn đoàn sau Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Lào Cai và Quảng Ninh.

8.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong quý, các tuyến y tế đã khám bệnh cho 430 nghìn lượt người, tăng 9% so với quý I/2018; trong đó có 52,6 nghìn người điều trị nội trú, tăng 11,1% so cùng kỳ (thấp hơn mức 34,4% của quý I/2018). Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong quý I, BQL an toàn thực phẩm của tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương thành lập các đoàn, đội kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra hơn 300 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và đã xử lý 36 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 154 triệu đồng.

Trong quý I, toàn tỉnh có 4.728 trẻ em mới sinh, tăng 19% so quý I/2018; trong đó có 1.142 phụ nữ sinh con thứ 3, tăng rất cao (+67,4%) so cùng kỳ. Các dịch vụ tránh thai, khám và điều trị phụ khoa cho phụ nữ được ưu tiên và nâng cao chất lượng. Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 48.254 người sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng 9,1% so cùng thời điểm năm trước.

8.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao

Trong quý I, hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2019 và đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cấm đốt pháo, phòng chống lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân. Tại nhiều địa phương, đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh đã tổ chức Festival “Về miền Quan họ - 2019”  diễn ra từ ngày 13-28/2 (tức từ ngày mùng 9-24 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) với 36 hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch.

Trong quý I, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh đã thực hiện 900 chương trình phát thanh với 1.485 giờ, gấp 3,6 lần so cùng kỳ năm trước; xây dựng và sản xuất 870 chương trình truyền hình với 2.160 giờ. Nhìn chung, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ trong quý I diễn ra sôi động, hiệu quả, đặc biệt hoạt động lễ hội được quản lý, tổ chức chặt chẽ góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa Kinh Bắc, được dư luận khách quan đánh giá tốt.

Trong quý, tỉnh đã cử 4 đoàn thể thao tham gia các giải quốc tế môn cử tạ, vật, cờ vua và karatedo. Tại giải Cử tạ trẻ thế giới tổ chức tại Mỹ từ ngày 4-16/3/2019, VĐV Đỗ Tú Tùng của đoàn Bắc Ninh đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, phá 3 kỷ lục thế giới ở nội dung cử giật với kỷ lục mới là 95 kg; tương tự, cử đẩy với thành tích 125 kg và tổng cử là kỷ lục 220 kg.

8.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/3/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 142 vụ phạm pháp hình sự, tăng 20 vụ so cùng thời điểm năm trước; phát hiện và bắt giữ 254 vụ buôn bán ma túy với 322 đối tượng, thu 1.835 gam heroin và ma túy tổng hợp; so cùng kỳ năm trước, giảm 154 vụ, giảm 205 đối tượng và giảm 3.317 gam ma tuý. Nhờ các lực lượng công an luôn chủ động đối phó và kiên quyết trấn áp, tấn công nên an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững.

An toàn giao thông: Trong quý I, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 14 vụ TNGT, làm chết 14 người, bị thương 6 người; so cùng kỳ năm trước, giảm 6 vụ, giảm 2 người chết và tăng 1 người bị thương.

8.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong quý I, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy  nổ, nhưng không gây thương vong về người, gây thiệt hại về kinh tế hơn 1.385 triệu đồng; so cùng kỳ năm trước, tăng 2 vụ. Tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/3/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 138 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã xử lý 72 vụ và thu nộp Kho bạc Nhà nước 605 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 23 vụ vi phạm, giảm 50 vụ bị xử lý và giảm 595 triệu đồng./.

 

 

[1] Tăng trưởng Quý I các năm: 2015, giảm 5,3%; 2016 tăng 5,6%; 2017, giảm 1,8% và 2018 tăng 36,3%.

Phòng TK Tổng hợp
Nguồn: ctk.bacninh,gov.vn

Thống kê truy cập

Online : 1037
Đã truy cập : 150654571