KTXH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh Bắc Ninh
6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ, gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và xã hội của tỉnh. Trong đó, nhiều ngành kinh tế chủ lực đã giảm sút mạnh. Đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã từng bước đi vào hoạt động, dần hồi phục và đang thiết lập “trạng thái bình thường mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội được giữ vững. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo từng lĩnh vực cụ thể như sau:
Biểu KTXH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020
6 tháng đầu năm 2020, kinh tế thế giới diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức đan xen, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã lây lan ra trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 9,5 triệu người mắc, làm gần 500 nghìn người chết. Hoạt động giao dịch thương mại trên thế giới đình trệ với xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh xuống mức thấp nhất do các nước thực thi lệnh cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn diễn biến phức tạp và khó lường; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ,… đã từng bước dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo báo cáo giữa năm của Liên Hợp Quốc (UN), dưới tác động của Covid-19, gần 90% nền kinh tế thế giới đã bị phong tỏa, phá hủy chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và khiến hàng triệu người mất việc làm, nên kinh tế thế giới và một số nền kinh tế lớn được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020[1]. Ở trong nước, cùng chung bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, từ cuối quý I và đầu quý II đã tác động mạnh đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động thương mại, dịch vụ nhất là du lịch bị sụt giảm sâu; sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đến nay, dịch bệnh trong nước đã được khống chế và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực trong thời gian tới, với việc gỡ bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Theo dự báo của các nhà kinh tế, bên cạnh một số yếu tố tác động tích cực, nền kinh tế quý II vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn và nhiều thách thức lớn, nên dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ thấp hơn mức 3,82% của quý I. Ở trong tỉnh, dịch Covid-19 cũng đã làm ngưng trệ, gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và xã hội. Trong đó, nhiều ngành kinh tế chủ lực đã giảm sút mạnh, như: công nghiệp, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống,... Đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã từng bước đi vào hoạt động, dần hồi phục và đang thiết lập “trạng thái bình thường mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội được giữ vững đã góp phần hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nhiều ngành then chốt đều sụt giảm sâu trong quý II, nên kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn biến theo chiều hướng xấu hơn so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng, mức tăng trưởng chung và xu hướng ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước đạt 53.182,3 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ. Đây là năm thứ hai liên tiếp kinh tế của Bắc Ninh sụt giảm trong 6 tháng đầu năm[2] kể từ khi dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức đi vào hoạt động năm 2010. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) giảm 3% và làm giảm 0,11 điểm phần trăm tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) giảm 2,8% và làm giảm 2,06 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực dịch vụ, giảm 7% và làm giảm 1,34 điểm phần trăm tăng trưởng. Riêng thuế sản phẩm tăng 4,9% và đóng góp tăng 0,21 điểm phần trăm tăng trưởng.
Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trồng trọt có đóng góp tích cực dù tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân giảm tới 1.363 ha so với cùng vụ năm trước, nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng mở rộng diện tích cây trồng năng suất, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao,… đã góp phần đưa ngành trồng trọt đạt mức tăng trưởng 1,6%. Trong nuôi trồng thủy sản, nhờ tiếp tục đẩy mạnh thâm canh và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và nuôi cá lồng trên sông với nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, nên ngành thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng khá (+2,7%). Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn tuy đã được phục hồi (+11,2% so với cùng thời điểm năm trước) và chăn nuôi trâu, bò ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt mức tăng trưởng 3,5%, nhưng do sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm giảm 30,9% nên tính chung ngành chăn nuôi vẫn giảm 7,9% và đã kéo khu vực NLTS giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực công nghiệp - xây dựng với ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (70,6%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nên biến động của nó có tác động rất lớn đến tăng trưởng chung. Trong những tháng đầu năm, dịch Covid-19 phát sinh và lây lan ra toàn cầu, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, thực hiện cách ly xã hội, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đầu tiên bùng phát dịch - đã tạm dừng các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa,… trong thời gian dài đã khiến doanh nghiệp nhiều nước, trong đó có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia gặp khó khăn lớn vì thiếu nguyên liệu sản xuất, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao,… trong sản xuất; có không ít doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, từ tháng 4, khi bắt đầu thực hiện cách ly xã hội và khi phát hiện bệnh nhân 262 làm việc tại bộ phận Kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) tại Bắc Ninh, dây chuyền sản xuất có liên quan đến bệnh nhân này đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, đã phần nào tác động đến sản xuất của SDV. Đồng thời, thị phần màn hình di động của SDV đã bị sụt giảm đáng kể do: (1) Không tiêu thụ được ở thị trường Trung Quốc; (2) Do Apple từng bước chuyển sang sử dụng màn hình LCD, OLED của BOE (Trung Quốc) và JDI (Nhật Bản). Trong khi đó, ở mảng điện thoại cũng bị “chao đảo” bởi đại dịch Covid-19 khi mức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm 11,7% trong quý I, trong đó Samsung tuy vẫn chiếm vị trí số 1 nhưng sản lượng tiêu thụ giảm tới 18,9% và giảm mạnh trong quý II do nhu cầu của người tiêu dùng “chạm đáy”; và các công ty vệ tinh cũng sụt giảm theo. Ở loại hình kinh tế trong nước, hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể tạm ngừng, các doanh nghiệp dân doanh cũng sản xuất cầm chừng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 nên tính chung ngành công nghiệp giảm 1,8% trong 6 tháng đầu năm. Ngành Xây dựng cũng chịu tác động của dịch Covid-19 và cách ly toàn xã hội, nhu cầu xây dựng nhà ở gần như không phát sinh, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, chuyên dụng, nhà xưởng, trụ sở,… đều đạt thấp, giảm tới 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở khu vực dịch vụ, một số ngành sụt giảm sâu do phải tạm ngừng hoạt động khi thực hiện cách ly xã hội để ngăn chặn Covid-19 ở trong nước cũng như giữa các quốc gia, như: Bán buôn, bán lẻ,.. (-15%); vận tải kho bãi (-15,5%); lưu trú và ăn uống (-24,3%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (-34,4%); nghệ thuật và hoạt động vui chơi giải trí (-7,6%); dịch vụ khác (-24,3%). Mặc dù, các ngành thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng; các ngành hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn đạt mức tăng trưởng trên 5%, nhưng do tỷ trọng nhỏ nên cũng không bù đắp được mức giảm sâu của các ngành trên. Riêng ngành kinh doanh bất động, với tỷ trọng lớn thứ 2 (chiếm 11,5%) trong khu vực dịch vụ, nhưng chỉ đạt mức tăng 0,7%, nên tác động không đáng kể. Tính chung, các ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
2.1. Tài chính
Sau 6 tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các hoạt động sản xuất kinh doanh đều sụt giảm, hoạt động bất động sản cũng trầm lắng. Bên cạnh đó, nhằm giúp doanh nghiệp và các cơ sở SXKD giảm bớt khó khăn, ngành Thuế đã triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh nên thu ngân sách đạt thấp. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 14.565 tỷ đồng, đạt 49,7% dự toán và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 11.615 tỷ đồng, đạt 51% và giảm 4,3%. Một số khoản thu giảm nhiều như: thu từ DNNN giảm 12,3%; thu từ DN FDI giảm 11,6%; thu từ khu vực ngoài nhà nước giảm 23,3%, thu thuế thu nhập cá nhân giảm 17,5%. Sau 6 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 9.577,5 tỷ đồng, đạt 49,4% dự toán năm và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 5.985 tỷ đồng, tăng 29,3%; chi thường xuyên là 3.589,6 tỷ đồng, tăng 14,5%. Sở dĩ, chi ngân sách tăng cao là do tỉnh đã chỉ đạo tập trung và ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công với nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giao thông và xây dựng nông thôn mới. Chi thường xuyên đáp ứng được yêu cầu chi tiền lương, các khoản phụ cấp cho cán bộ công chức, viên chức, các khoản an sinh xã hội và phòng ngừa dịch bệnh. Trong chi thường xuyên một số khoản chi tăng cao như: Chi an ninh, trật tự xã hội (+13,8%), sự nghiệp y tế (+8,8%), khoa học-công nghệ (+48,6%), chi đảm bảo xã hội (+62,1%),…
2.2. Ngân hàng - Tín dụng
Sáu tháng đầu năm 2020, ngành ngân hàng đã chủ động bám sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời nội dung, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam. Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhưng các ngân hàng và tổ chức tín dụng vẫn hoạt động liên tục, thông suốt, đáp ứng khả năng thanh khoản và đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Các chi nhánh NH trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN Việt Nam đã hai lần ban hành các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất vào ngày 17/3 và ngày 12/5/2020. Đến nay, các mức lãi suất huy động phổ biến từ 4,0-7,2%/năm và lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 5,0-11%/năm đối với từng kỳ hạn. Tính đến cuối tháng 6, tổng nguồn vốn huy động đạt 145.000 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 14,8% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 90.115 tỷ đồng, tăng 9,4% và tăng 0,7%. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 62,1%, tăng 12% và đạt xấp xỉ so với thời điểm cuối năm 2019. Nợ quá hạn là 1.300 tỷ đồng, tăng 37,9%, tăng 25,4% và chiếm 1,44%/tổng dư nợ.
2.3. Bảo hiểm
BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT và quản lý nguồn quỹ BHYT. Chất lượng dịch vụ KCB BHYT tiếp tục được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người bệnh, ý thức trách nhiệm và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ được cải thiện rõ rệt. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã có 1.312,7 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 92,6% dân số và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số, có 1.305,3 nghìn người tham gia BHYT, tăng 4,4%; 401,5 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 9,9%; 389,3 nghìn người đóng BHTN, tăng 13,7%. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 4.252,5 tỷ đồng, giảm 1,2% so cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 890,6 tỷ đồng, chỉ tăng 2,9%; thu BHXH bắt buộc là 3.105,6 tỷ đồng, tăng 6,6%. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN và quản lý đối tượng hưởng được thực hiện tốt, tiếp nhận và cấp phát kinh phí kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn. Tính chung 6 tháng, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 2.139,8 tỷ đồng, tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 1.784,2 tỷ đồng, tăng 23,5%; chi từ ngân sách nhà nước 355,6 tỷ đồng, tăng 1,2%.
3. Tình hình giá cả, lạm phát
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Sáu tháng đầu năm, giá cả hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều diễn biến phức tạp nhưng mức biến động không lớn. Trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu có mặt hàng tăng cao, có mặt hàng tăng theo quy luật thời vụ nhưng cũng có mặt hàng giảm giá do cầu giảm. Trong khi giá xăng dầu và giá gas liên tục giảm trong 4 tháng đầu năm thì một trong những nguyên nhân chính tác động đến CPI của các tháng tăng ở mức cao là do tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, nhóm hàng thực phẩm và nhất là giá thịt lợn. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên từ cuối tháng 1/2020 nhu cầu một số mặt hàng thuốc y tế, điện, nước,… tăng cũng đã ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường. Tính chung tháng 6, CPI tăng 0,85% so với tháng trước và tăng khá cao (+4,67%) so với cùng tháng năm trước. Trong đó, vẫn tiếp tục tăng ở một số mặt hàng thiết yếu như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,67%), trong đó nhóm thực phẩm tăng 1,12% do thịt gia súc tươi sống tăng 2,74% và giá thịt gia cầm tươi sống tăng 4,2%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD (+1,12%) chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 10,1%; nhóm giao thông (+5,36%) do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 14,31%. Bình quân quý II, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng, có 6/11 nhóm hàng có chỉ số tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+16,28%); may mặc mũ nón và giầy dép (+3,48%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+2,01%); thuốc và dịch vụ y tế (+3,02%); giáo dục (+0,44%) và hàng hoá dịch vụ khác (+2,83%).
3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Giá vàng trong nước 6 tháng đầu năm biến động tăng, giảm theo xu hướng của giá vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thần Tài nhưng không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội. Tình hình cung cầu vàng từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không có sự chênh lệch lớn mặc dù có những thời điểm giá vàng tăng cao. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là giao dịch của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tháng 6, giá vàng được bán ra với mức bình quân là 4.789.000đ/chỉ, tăng 2,83% so với tháng trước, tăng 29,56% so với cùng tháng năm trước và tăng 15,9% so với tháng 12 năm 2019. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, giá vàng tăng 24,06% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá USD diễn biến ổn định, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tháng 6, giá đô la Mỹ bán ra bình quân 23.339đ/USD, giảm 0,62% so với tháng trước, giảm 0,39% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,42% so với thời điểm tháng 12/2019. Bình quân 6 tháng giá đô la Mỹ tăng 0,33%.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Vốn đầu tư phát triển
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục cải thiện mội trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và huy động nguồn vốn đầu tư trong nước để tăng năng lực sản xuất. Mặc dù, dịch Covid-19 phát sinh trong quý I và sang đầu quý II/2020, đã ảnh hưởng đến đầu tư của các DN dân doanh và dân cư, nhưng khối DN FDI vẫn sản xuất bình thường và tiếp tục đầu tư để mở rộng, nâng cấp năng lực, mua máy móc thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời một số DN, dự án mới cũng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng vào các công trình trọng điểm như cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, đường ĐT.287 đoạn QL38-QL18, đền Lý Thường Kiệt, Chùa Dạm,…nên vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá.
Tháng 6, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 616,5 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 38,6% với so cùng tháng năm trước. Tính chung quý II, ước đạt 1.596,9 tỷ đồng, tăng 29,4% so với quý trước và tăng 29,7% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng, tổng vốn đầu tư ước đạt 2.854,6 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.553,7 tỷ đồng, giảm 0,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 692,4 tỷ đồng, tăng 94%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 608,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần. Tính chung, tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh 6 tháng ước đạt 33.703,2 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước ước đạt 2.926,3 tỷ đồng, tăng 28,5%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 10.843,2 tỷ đồng, giảm 13,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 19.506,6 tỷ đồng, tăng 13,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP chiếm 38,3%.
4.2. Tình hình cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng do nhiều quốc gia thực hiện cách ly xã hội, nhưng với chủ trương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn. Đặc biệt, ngày 18/6 UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Bắc Ninh cải thiện môi trường kinh doanh, động lực mới thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp” nhằm đánh giá kết quả đạt được trong thời gian qua và chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót để kịp thời khắc phục nhằm tiếp tục thu hút đầu tư gắn với kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “3 cao 2 ít”. Tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành cụm ngành điện tử, công nghệ cao, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Hanaka, Yên Phong mở rộng...
Từ tháng 5, dịch covid-19 được kiểm soát và giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nên các nhà đầu tư đến tìm hiểu tại Bắc Ninh đã tăng lên. Trong đó, một số nhà đầu tư lớn đã có thỏa thuận sơ bộ với các công ty hạ tầng để lựa chọn vị trí. Tính từ ngày 01/01 đến ngày 20/6/2020, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 97 dự án với tổng vốn đầu tư 183,1 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.587 dự án FDI được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 19.305 triệu USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số dự án và vốn đầu tư với 1.191 dự án và 15.718 triệu USD vốn đầu tư; tiếp theo là các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
5.1. Đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát từ 2.693 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh do Tổng cục Thống kê triển khai từ ngày 10-20/4/2020, cho thấy có 90,9% doanh nghiệp trả lời bị tác động của dịch Covid-19. Trong số 90,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, có 19,9% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động SXKD; 44,2% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiếu hụt nguồn vốn SXKD, nhất là vốn lưu động để trả lương lao động, lãi vay, thuê mặt bằng và duy trì hoạt động thường xuyên; 23,7% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước; 42,4% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu; 54,7% doanh nghiệp cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 21,5% doanh nghiệp có hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được trong nước; 31,6% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Trong tổng số, có 31,9% doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp liên quan lao động như: cắt, giảm, giãn, nghỉ luân phiên...(với 30,6% chọn giải pháp cắt, giảm lao động; 43,1% số doanh nghiệp chọn giãn, nghỉ luân phiên; 16,6% cho nghỉ không lương; 15,4% chọn giảm lương lao động). Tỷ lệ lao động bình quân tháng 4/2020 giảm 22,7% so với cùng tháng năm trước; bình quân 4 tháng giảm 29,6%. Trước tình hình khó khăn nêu trên, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã tập trung triển khai các giải pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Trong đó, thực hiện các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc thị trường, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu khi các nước nới lỏng cách ly xã hội giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
5.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến ngày 29/5/2020, toàn tỉnh có 12.195 DN độc lập và 967chi nhánh DN đang thực hiện nghĩa vụ NSNN, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,8% về số DN độc lập và tăng 5,3% số chi nhánh. Trong 5 tháng, toàn tỉnh đã cấp mới mã số thuế cho 1.034 DN (trong đó có 30 DN chuyển về từ tỉnh khác), tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; có 454 DN (38 chi nhánh, 21 DN FDI) đã đóng mã số thuế, gấp 2,5 lần và có 406 DN (20 chi nhánh, 5 DN FDI) tạm ngừng SXKD, tăng 33,1%. Qua số liệu về tình hình thành lập và hoạt động của DN 5 tháng đầu năm cho thấy, tuy số DN thành lập mới tăng cao với vốn đăng ký lớn, nhưng số DN đóng mã số thuế và tạm ngừng SXKD cũng tăng mạnh, nhất là ở một số ngành sản xuất truyền thống của tỉnh như sản xuất đồ gỗ, dệt may, giấy, sắt thép,.. và một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các công ty vệ tinh của Samsung.
5.3. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý II/2020 so với quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid nên chỉ có 51,14% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh có khả quan (31,25% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn; 19,89% cho rằng giữ ổn định) và có tới 48,86% đánh giá là khó khăn hơn. Dự kiến quý III/2020 so với quý II/2020 dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động SXKD trở lại hoạt động bình thường nên có tới 87,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD sẽ ổn định và tốt hơn. Trong đó, có 56,82% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 30,68% doanh nghiệp đánh giá ổn định; còn lại chỉ 12,5% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn. Ở khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 69,05% doanh nghiệp khẳng định tăng lên, có 26,19% doanh nghiệp cho rằng giữ nguyên và 4,76% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn. Ở khối DN FDI có tỷ lệ tương ứng là 43,53%; 35,29% và 21,18%. Các ngành có dự báo SXKD quý III có khả quan hơn và giữ ổn định so với quý II gồm: Ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống; SX thuốc lá; ngành dệt; ngành in, sao chép bản ghi; SX giường tủ, bàn ghế; SX xe có động cơ; SX máy móc thiết bị; SXSP từ khoáng phi kim loại; SX giấy...Riêng ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm trên 90% sản xuất công nghiệp của tỉnh) dự báo với tỷ lệ là 66,67% tăng lên; 33,33% là giữ nguyên và không có doanh nghiệp có dự báo xu hướng khó khăn hơn.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
6.1. Nông nghiệp
a) Về trồng trọt:
Sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 trên địa bàn tỉnh có những khó khăn và thuận lợi đan xen đó là: (1) Lúa mùa năm 2019 thu hoạch sớm hơn so với cùng kỳ từ 5-7 ngày tạo điều kiện giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông; (2) Thời tiết vụ đông cơ bản thuận lợi tạo điều kiện cho các cây rau, màu sinh trưởng và phát triển đúng chu kỳ và cho thu hoạch sớm hơn; (3) Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được TU, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ nhiều trong khâu, công đoạn sản xuất như: hỗ trợ kinh phí trừ rầy lưng trắng trên mạ, lúa gieo thẳng để phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, hỗ trợ 100% thuốc diệt chuột và thuốc trừ bệnh đạo ôn; hỗ trợ giá giống lúa năng suất, chất lượng cao theo quy mô diện tích và loại giống; kinh phí tuyên truyền tập huấn, xây dựng mô hình..; (4) Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh đã gây mưa rào, cục bộ có nơi mưa rất to làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và làm chết một số diện tích khoai tây mới trồng; (5) Mưa lớn bất thường ngày 24-25/01 trùng với thời điểm gieo mạ tập trung, mưa ngày 03-04/3 đã làm một số diện tích mạ mới gieo, lúa mới cấy đồng trũng, lúa gieo thẳng thấp cây bị đầy nước; (6) Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ với nhiều ô thửa, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp; (7) Giá giống, vật tư duy trì ở mức cao ảnh hưởng đến khả năng đầu tư sản xuất của nông dân.
Kết quả sản xuất: Vụ đông xuân năm 2019-2020 toàn tỉnh trồng được 42.382,1 ha cây hàng năm, giảm 3,1% (-1.363 ha) so với cùng vụ năm trước. Kết quả sơ bộ, ước năng suất, sản lượng một số cây trồng chính như sau: Cây lúa, toàn tỉnh gieo trồng được 31.856,6 ha, giảm 3,7% (-1.234,8 ha) so cùng vụ năm trước; năng suất bình quân chung sơ bộ đạt 65,3 tạ/ha tăng 3,2% (+2 tạ/ha), sản lượng thóc ước đạt 208 nghìn tấn, giảm 0,7%. Cây ngô, diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 1.062,2 ha, giảm 21,4% (-290 ha), năng suất sơ bộ đạt 53,2 tạ/ha, giảm 0,4% (-0,2 tạ/ha), sản lượng ước đạt 5.647,5 tấn, giảm 21,7% (-1.569 tấn). Cây khoai tây trồng được 2.452,2 ha, giảm 1,8% (-44,8 ha), năng suất sơ bộ đạt 154,5 tạ/ha, tăng 1,2%, sản lượng sơ bộ đạt 37.875,4 tấn, giảm 0,6 (-216 tấn). Cây đậu tương diện tích gieo trồng 118,6 ha, tăng 33,3%, năng suất ước đạt 23,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 281,1 tấn, tăng 39,4% (+79,4 tấn). Rau các loại 5.857 ha, tăng 3,3% (+184,4); năng suất sơ bộ đạt 283,4tạ/ha, sản lượng sơ bộ đạt 165.979 tấn, tăng 4.550,1 tấn (+2,8%).
Sản xuất vụ mùa: Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ gieo cấy 32.000 ha lúa và 2.700 ha cây rau màu. Đến ngày 18/6/2020, toàn tỉnh làm đất được 3.140 ha đạt 9,8% kế hoạch và bằng 21,4 % so với cùng kỳ. Diện tích gieo mạ là 17,5 ha tập trung chủ yếu ở huyện Quế Võ và huyện Gia Bình. Các địa phương đã cung ứng được 240 tấn thóc giống các loại đạt 94,7% lượng thóc giống nông dân đăng ký. Trong đó nhiều nhất là huyện Quế Võ 86 tấn/86 tấn đăng ký; Gia Bình 40 tấn/41 tấn đăng ký, Yên Phong 35 tấn/63,4 tấn đăng ký, Tiên Du 25 tấn/27 tấn đăng ký,....Về sản xuất rau màu vụ mùa, toàn tỉnh mới gieo trồng được 160 ha tập trung ở huyện Thuận Thành, Yên Phong và TP Bắc Ninh.
Sản xuất cây lâu năm: Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và ngành nông nghiệp, một số địa phương đã từng bước chuyển đổi một số diện tích đất bãi ven sông, đất trồng cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lâu năm, nên diện tích cây lâu năm có xu hướng tăng hơn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến thuận lợi nên cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt hơn, nhiều loại cây ăn quả khả năng sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn. Ước tính đến cuối tháng 6, diện tích cây lâu năm là 2.513,5 ha, tăng 1,1% (+28,1ha) so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, cây chuối 994,7 ha, tăng 1,5%, sản lượng thu hoạch ước đạt 17.141,4 tấn, tăng 1,2%; cây xoài 143,6 ha, tăng 0,4%, sản lượng đạt 338,6 tấn, tăng 0,4%; cây bưởi diện tích hiện có là 235 ha, tăng 1,3%, sản lượng đạt 114,2 tấn, tăng 1,2%,…
b) Chăn nuôi và công tác thú y
Chăn nuôi: 6 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi gặp phải nhiều khó khăn, thách thức: (i) Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội theo đó các nhà hàng, quán bán đồ ăn tạm dừng hoạt động nên lượng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sụt giảm; (ii) Dịch cúm gia cầm (A/H5N6) đã xảy ra ở 04 xã và 01 phường của 5 huyện thành phố bao gồm: Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và Gia Bình; (iii) Dịch Tai xanh xảy ra tại 02 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn xã An Bình và xã Xuân Lâm của huyện Thuận Thành; (iv) Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát xảy ra tại 05 hộ, 4 thôn, 3 xã của huyện Thuận Thành; (v) Giá thịt lợn hơi vẫn tăng và giữ ở mức cao so với năm trước. Giá thịt lợn hơi tăng kéo giá lợn giống tăng theo, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 2.781 con trâu, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 27.589 con, giảm 2,1% (-583 con); đàn lợn có 195.491 con, tăng 11,2% (+19,6 nghìn con); đàn gia cầm 5.090 nghìn con, giảm 1,8% (-92,6 nghìn con), trong đó đàn gà đạt 3.913 nghìn con, giảm 2,2% (-89,5 nghìn con). Về sản lượng xuất chuồng: Quý II, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 55 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 27,4 nghìn tấn, giảm 30,9%.Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 16,8 nghìn tấn, giảm 42,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Công tác thú y: Từ ngày 05/02 đến ngày 08/3/2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại 09 hộ, 05 thôn, khu phố thuộc địa bàn của 04 xã và 01 phường của 5 huyện, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và Gia Bình làm 17.485 con gia cầm mắc bệnh buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 34.306,2 kg. Từ ngày 03/4 đến ngày 13/6/2020 trên địa bàn huyện Thuận Thành đã xảy ra 2 ổ dịch tai xanh tại 2 hộ, ở 2 thôn của 2 xã làm 36 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng 2.136 kg; xảy ra dịch bệnh DTLCP tại 5 hộ, ở 4 thôn của 3 xã làm 182 con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng 3.063 kg. Ngay sau khi xảy ra các ổ dịch, Chi cục Thú y cùng với các địa phương đã tổ chức tiêu hủy số gia cầm bị mắc bệnh và thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, khu vực xung quanh hộ có dịch và các thôn, khu phố tại các xã, phường có dịch được thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh đã sử dụng trên 40.000 lít hóa chất và trên 1.800 tấn vôi bột cho công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường ổ dịch ở những vùng dịch uy hiếp và vùng đệm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập và duy trì các hoạt động của 02 đội kiểm dịch cơ động liên ngành nhằm chủ động trong việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Công tác tiêm phòng vắc-xin đại trà cho vật nuôi được tăng cường thực hiện. Lũy kế 6 tháng, toàn tỉnh tiêm phòng được 24,7 triệu liều vắc-xin các loại. Trong đó, tiêm được 17,4 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu bò; tiêm 520,1 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; 24,1 triệu liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm; 109 nghìn liều vắc-xin dại cho đàn chó mèo.
6.2. Lâm nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, công tác triển khai thực hiện các hạng mục trồng rừng được tiến hành theo kế hoạch. Ước tính toàn tỉnh trồng được 8,5 ha diện tích rừng trồng mới tập trung. Đã thực hiện chăm sóc rừng lần 1 được 109,5 ha, đạt 100% kế hoạch. Phát dọn thực bì, chặt tỉa cây chuẩn bị hiện trường để trồng rừng cải tạo, nâng cấp năm 2020. Khoán bảo vệ rừng 348,7 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh trồng được 105 nghìn cây phân tán các loại, bằng 86,8% so cùng vụ năm trước và đạt 70,5% kế hoạch. Sản lượng gỗ và lâm sản khai thác ước đạt 1.970 m3 gỗ, bằng 98% so cùng kỳ, sản lượng củi khai thác được 2.310 ste, bằng 92,4%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, thực hiện quy ước bảo vệ rừng ở các địa phương tiếp tục triển khai tăng cường nên không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Bên cạnh đó, công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tình hình sâu, bệnh hại rừng trên địa bàn toàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời.
6.3. Thuỷ sản
Thời tiết cơ bản thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, nhu cầu tiêu thụ cá thịt gia tăng hơn; giá bán các loại sản phẩm thuỷ sản tăng nhẹ, giá thức ăn công nghiệp, cá giống ổn định đã khuyến khích các hộ nuôi trồng thuỷ sản đầu tư mở rộng quy mô. Trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc thu hoạch diện tích cá đã nuôi còn lại, các hộ cũng tiến hành tu bổ, sửa chữa hệ thống; cải tạo, nạo vét khử trùng vệ sinh đáy ao, hồ; tôn cao bờ ao, tranh thủ nguồn nước đổ ải bổ sung nước mới vào ao nuôi, tích cực chuẩn bị ao nuôi, con giống để chuẩn bị nuôi thả cá vụ mới. Do vụ đông năm nay không có các đợt rét đậm rét hại nên tình trạng khan hiếm con giống thả nuôi vụ xuân không xảy ra. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 một số giống cá nhập từ Trung Quốc như: cá nheo mỹ (lăng đen), cá diêu hồng để nuôi lồng gặp khó khăn hơn, nên mùa vụ thả nuôi diễn ra muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019 từ 20-30 ngày. Hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa hè, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi thủy sản. Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống nắng nóng bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tiến hành việc hướng dẫn các hộ nuôi trồng thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng tới sản xuất nuôi trồng thủy sản. Ước tính đến cuối tháng 6, diện tích nuôi trồng thủy sản còn 5.168 ha, giảm 0,5% (-24 ha) so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá chiếm đến 96,9%, còn lại 3,1% là diện tích nuôi thủy sản khác. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 6 tháng ước đạt 19.103 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng là 18.506 tấn, tăng 0,9%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 597 tấn, giảm 2,5%.
7. Sản xuất công nghiệp
Sáu tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 bùng phát trong quý I và sang đầu quý II đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn, do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, tồn kho hàng hóa gia tăng. Từ đầu tháng 5 đến nay, ở trong nước dịch bệnh đã được kiểm soát và các hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Một số nước trên thế giới như Trung Quốc và Hàn Quốc đã từng bước thông quan để xuất nhập hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng nguyên phụ liệu may mặc, da giày và linh kiện điện tử nên hoạt động sản xuất công nghiệp trong tỉnh ổn định trở lại và có xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, hầu hết các ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi chậm. Trước tình hình này, Chính phủ và tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp như: tạm dừng đóng thuế, phí, bảo hiểm; yêu cầu ngân hàng giảm, giãn nợ…nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất.
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 35,4% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng tháng năm trước. Trong ngành CN chế biến chế tạo, so với tháng trước có tới 17/20 ngành có chỉ số tăng từ 1,4-44,9%; trong đó có 8 ngành tăng hai con số, đặc biệt là ngành SXSP điện tử - với tỷ trọng lớn nhất và tăng tới 41,4%, đã góp phần kéo IIP ngành chế biến chế tạo tăng 35,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, vẫn còn 3 ngành có chỉ số giảm là ngành chế biến gỗ (-23,9%); ngành SX thuốc (-6,1%) và ngành SX phương tiện vận tải khác (-1,9%) do sản phẩm tiêu thụ chậm. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,7%; ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 6,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 19,6%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 14/20 ngành có chỉ số giảm với mức giảm từ 0,8-46,8%. Trong đó, một số ngành chủ lực của địa phương có chỉ số giảm sâu, như: SXSP thuốc lá (-15,1%); SX trang phục (-32,9%); SX hóa chất (-12,3%); SX kim loại (-17,3%); SX thiết bị điện (-29,1%); SX giường, tủ, bàn ghế (-46,8%),.. Riêng ngành SXSP điện tử, tuy chỉ số giảm thấp (-1,9%), nhưng do chiếm tỷ trọng lớn nhất nên cũng tác động khá lớn đến chỉ số chung. Mặc dù, 6 ngành có chỉ số tăng là SX chế biến thực phầm (+3,3%); dệt (+5,6%); chế biến gỗ (+0,6%); SX thuốc (+17,6%); SX máy móc (+30,7%) và SX phương tiện vận tải khác (+3,2%), nhưng cũng không bù được mức giảm của các ngành còn lại.
7.2. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho
Chỉ số tiêu thụ: Tháng 6, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tăng 15,6% so với tháng trước và giảm 13,1% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, so với tháng trước một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng mạnh, như: Chế biến gỗ (+2,4 lần); SXSP điện tử (+17,4%); SX thiết bị điện (+33%); SX máy móc thiết bị (+92,5%); SX phương tiện vận tải khác tăng 45,8%... Tính chung 6 tháng, chỉ số tiêu thụ vẫn giảm 19% so với cùng kỳ. Trong đó, ngoài 4 ngành SX chế biến thực phẩm; SX giấy; SX thuốc; SX máy móc có chỉ số tăng, còn lại 16/20 có chỉ số tiêu thụ giảm. Một số ngành chỉ số giảm mạnh, như: dệt (-47,1%); SX trang phục (-30,3%); sản xuất kim loại (-19,4%); SXSP điện tử (-20,9%)...
Chỉ số tồn kho: Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã phát huy tác dụng bắt đầu từ tháng 6, mức tiêu thụ sản phẩm của một số ngành tăng hơn đã giúp chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với những tháng trước. Tháng 6, chỉ tồn kho chung tăng 5,6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 21,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước, như: SX và chế biến thực phẩm (-4,2%), SX trang phục (-5,3%), chế biến gỗ (-25,8%), SX hoá chất và sản phẩm hoá chất (-4%), SX thuốc, hoá dược và dược liệu (-50,8%), SX máy móc, thiết bị (-1,2%), SX phương tiện vận tải khác (-15,8%),... So với cùng tháng năm trước một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, như: SX đồ uống (+94%); SXSP từ gỗ, tre, nứa (+2,6 lần); SX hóa chất và sản phẩm từ hóa chất (+2,9 lần); SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+28,5%). Nguyên nhân tăng là do 6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, sức mua cả trong và ngoài nước đều giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm hơn.
7.3. Sản phẩm công nghiệp
Cùng xu hướng với chỉ số sản xuất công nghiệp, hầu hết các sản phẩm có lượng xuất khẩu lớn và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, đều có lượng sản xuất tăng khá. Tháng 6, một số mặt hàng có lượng sản xuất tăng so với tháng trước và so cùng tháng năm trước như: mỳ, phở (+16,4% và +1,7%); thức ăn gia súc (+12,8% và +10,3%); giấy và bìa (+6,6% và +5,6%); linh kiện điện tử (+57,7% và +81,5%); điện thương phẩm (+25,9% và +9,7%)... Lũy kế 6 tháng, nhiều sản phẩm chủ lực có lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước, như: sữa và kem các loại (-2,4%); vải tuyn (-31,9%); quần áo (-35,3%); thức ăn gia súc (-10,9%); sắt thép dùng trong xây dựng (-23,1%); máy in (-20,8%); điện thoại di động thường (-21%); điện thoại thông minh (-25,8%); màn hình điện thoại, tivi (-27,4%); pin điện thoại (-29,6%); tủ gỗ (-33,3%); bàn ghễ gỗ (-40,8%),.. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền (+22,2%); giấy và bìa (+14,1%); dược phẩm có chứa vitamin (+56,6%); đồng hồ thông minh (+61,3%); linh kiện điện tử (+19,9%); bê tông tươi (+6,5%),…
7.4. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Từ tháng 6, sản xuất bắt đầu gia tăng trở lại, nhất là ở khu vực FDI và ngành sản xuất sản phẩm điện tử để chuẩn bị cho sản xuất mới ra mắt vào cuối quý III, nên nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng hơn. Tháng 6, chỉ số sử dụng lao động tăng 1% so tháng trước, nhưng vẫn giảm 5,9% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,1% và giảm 6,2%; ngành SX và PP điện đạt xấp xỉ tháng trước và giảm 0,5%; ngành cung cấp nước tăng 0,6% và tăng 19,3%. Tính chung 6 tháng, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn, giảm 6,5%. Theo loại hình, khu vực nhà nước giảm 5%; khu vực ngoài nhà nước giảm 4,7%; khu vực FDI giảm 6,7%.
8. Thương mại, dịch vụ
8.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ
Từ giữa quý I và đầu quý II trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19, người dân hạn chế đến nơi công cộng; học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài, các hoạt động văn hóa rạp chiếu phim, quán bar, karaoke, quán game, vũ trường tạm ngừng hoạt động. Các đơn vị kinh doanh vận tải, nhà hàng ăn uống, du lịch thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt nên doanh thu tiêu thụ rượu bia và các hoạt động du lịch giảm sâu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ đã chuyển sang trạng thái bình thường, với xu hướng tăng hơn. Công tác quản lý thị trường được các ngành chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, trọng tâm kiểm tra là việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, chống các vi phạm về đo lường, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… đã góp phần ổn định thị trường hàng hóa và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 4.388,2 tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng trước và giảm 19,3% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý II, tổng doanh thu ước đạt 11.443 tỷ đồng, giảm 29,2% so với quý trước và giảm 31,5% so với quý II/2019, đã tác động đáng kể đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 27.609,6 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ.
a) Bán lẻ hàng hóa
Tháng 6, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với tháng trước do nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng lên và tăng ở hầu hết các nhóm hàng, đáng kể là các nhóm hàng đồ dùng trang thiết bị gia đình do nắng nóng kéo dài. Nhưng tính chung 6 tháng doanh thu vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ do một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua trên thị trường chậm lại, doanh thu các nhóm mặt hàng đều giảm. Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 6 ước đạt 3.314,5 tỷ đồng, tăng 9,7% so tháng trước và giảm 21,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.270,3 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong 13 nhóm hàng hóa, hầu hết các nhóm đều có chỉ số giảm với mức giảm từ 3%-38,1% . Một số mặt hàng thiết yếu giảm, như: lương thực, thực phẩm (-3,8%); may mặc (-24,1%); đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị GĐ (-19,1%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (-34,2%); gỗ và VLXD (-24,2%); phương tiện đi lại (-38,1%); xăng dầu các loại (-31,8%)…
b) Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác
Những tháng đầu năm, từ việc thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cùng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát, nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình trong các quán ăn, nhà hàng, nhu cầu du lịch trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành đã chủ động nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách nên hoạt động ăn uống và du lịch lữ hành đang từng bước được ổn định và tăng đáng kể. Tháng 6, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.073,7 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý II, doanh thu ước đạt 3.346,3 tỷ đồng, tăng 11,8% so với quý trước và giảm 17,3% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 6.339,3 tỷ đồng, giảm 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ ăn uống đạt 2.123,8 tỷ đồng, giảm 25%; dịch vụ lưu trú đạt 82,1 tỷ đồng, giảm 42,1%; số lượt khách phục vụ 516,9 nghìn lượt khách, giảm 55,7%.
8.2. Hoạt động ngoại thương
Sáu tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến dòng thương mại toàn cầu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới gặp khó khăn do sức mua của người tiêu dùng giảm, nhiều doanh nghiệp giảm qui mô hoạt động, khó khăn về nguồn tài chính để duy trì sản xuất và tái đầu tư, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các chính sách hạn chế xuất nhập cảnh. Việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU...khiến nhu cầu hàng hóa tại các thị trường giảm, nên nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay do dịch bệnh trên các nước đã cơ bản được khống chế, các cửa khẩu biên giới đã được mở cửa trở lại, tình hình thông quan được cải thiện, nên tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định và tăng trưởng. Bên cạnh đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử (chiếm trên 90% xuất nhập khẩu của tỉnh) vẫn gia tăng lượng xuất nhập khẩu nên so với cùng kỳ hoạt động ngoại thương vẫn đạt kết quả khả quan.
a) Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 6 ước đạt 2.701,1 triệu USD, tăng 25,9% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14.885,5 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực FDI với kim ngạch đạt 14.781,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 99%, tăng 6,4%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 103,9 triệu USD, tăng 98,1%. Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ như: chất dẻo nguyên liệu (+55,2%); sản phẩm từ chất dẻo (gấp 3,8 lần); nguyên liệu dệt may, da, giày (gấp 2 lần); máy vi tính và linh kiện (+81,8%); điện thoại các loại và linh kiện (+2,1%)…Bên cạnh đó, một số mặt hàng truyền thống có lượng xuất khẩu giảm như gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 50,9%; hàng dệt may giảm 12,9%; dây diện và cáp điện giảm 15,5%...
b) Nhập khẩu
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 2.298,5 triệu USD, tăng 38,3% so tháng trước và tăng 23,5% so cùng tháng năm trước. Sở dĩ, nhập khẩu tăng cao là do các DN FDI mà chủ yếu là doanh nghiệp SEV và SDV đang tập trung nhập các loại linh kiện, nguyên liệu để sản xuất hàng loạt các sản phẩm điện thoại mới (Samsung Galaxy S20 và dòng Galaxy A, tai nghe Galaxy Buds+). Lũy kế 6 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12.887,3 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI chiếm 97,6% tổng kim ngạch và tăng 4,2%; khu vực kinh tế tư nhân tăng 58,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao, như: NPL sản xuất dược phẩm (+43,7%); phụ liệu dệt may (+15,7%); kim loại thường (+60,5%); linh kiện điện tử, điện thoại (+11,7%)…
8.3. Vận tải, kho bãi và du lịch
a) Hoạt động vận tải
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, ngành Giao thông tiếp tục áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải phục vụ tốt nhu cầu của người dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 6 tháng đầu năm, do thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP và nhất là do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên tình hình vận tải, kho bãi trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh nhất là vận tải hành khách. Hoạt động vận tải hàng hóa diễn ra chậm do nhu cầu vận tải nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thấp. Từ đầu tháng 5 đến nay, khi dịch bệnh được khống chế hoạt động vận tải kho bãi đã trở lại trạng thái bình thường. Các doanh nghiệp vận tải đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, giảm giá vé nhằm kích cầu đi lại của người dân. Mặt khác giá nguyên vật liệu hiện vẫn ở mức thấp sẽ góp phần tích cực để khôi phục kinh doanh cho các đơn vị vận tải trong thời gian tới.
Vận tải hành khách[3], tháng 6 khối lượng vận chuyển ước đạt 1,2 triệu HK, tăng 17,7% so với tháng trước và nhưng vẫn giảm sâu (-50,9%) so với cùng tháng năm trước; luân chuyển ước đạt 55,4 triệu HK.km, tăng 17,9% và giảm 47,3%. Tính chung quý II, toàn tỉnh vận chuyển 2,7 triệu HK, giảm 40,2% so với quý trước và giảm 62,9% so với quý II/2019; luân chuyển 124,3 triệu HK.km, giảm 39,2% và giảm 61,2%. Doanh thu vận tải hành khách quý II ước đạt 168,1 tỷ đồng, giảm 40,9% và giảm 62,3%. Lũy kế 6 tháng, khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 7,1 triệu HK, giảm 49,1% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 305,7 triệu HK.km, giảm 50,6%; doanh thu đạt 452,7 tỷ đồng, giảm 47,6%.
Vận tải hàng hóa, tháng 6 khối lượng vận chuyển ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 13,4% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 145,7 triệu tấn.km, tăng 12,9% và giảm 22,9%. Tính chung quý II, toàn tỉnh vận chuyển 7,1 triệu tấn, tăng 1,1% so với quý trước và giảm 26,3% so với quý II/2019; luân chuyển 354,9 triệu HK.km, tăng 1,8% và giảm 27,5%. Doanh thu vận tải hàng hóa quý II ước đạt 532,2 tỷ đồng, tăng 1% và giảm 23,1%. Sau 6 tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 13,9 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 694,4 triệu tấn.km, giảm 27,4%; doanh thu đạt 1.058,9 tỷ đồng, giảm 22,5%.
b) Du lịch
Bắc Ninh là địa phương có nhiều điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị đặc trưng. Theo thông lệ hàng năm, những tháng đầu năm lượng khách đến Bắc Ninh thường đông nhất trong năm. Nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính Phủ về dãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại đến những khu vực đông người, các chương trình lễ hội, văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh đều bị hoãn, hủy. Ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng sụt giảm. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượt khách trong 6 tháng ước đạt 325.000 lượt khách, giảm 67% so với cùng kỳ; doanh thu phục vụ (bao gồm cả lưu trú và ăn uống) ước đạt 245 tỷ đồng, giảm 66%. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 32 đơn vị kinh doanh lữ hành; 648 cơ sở lưu trú (3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao). Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, tập trung vào quảng bá trên các kênh truyền hình, hãng hàng không Việt Nam, báo địa phương; hợp tác, liên kết phát triển Tour, tuyến điểm du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng Bắc bộ và với các tỉnh trong cả nước nhằm kích cầu và phát triển du lịch.
9. Các lĩnh vực xã hội
9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Trong bối cảnh chung với những tác động của dịch Covid-19, việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho người lao động, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tính chung 6 tháng, thu nhập bình quân chung của người lao động trong các doanh nghiệp đạt khoảng 8,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do các khoản thưởng Tết của người lao động tăng cao hơn so với năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 9,2 triệu đồng/tháng, tăng 8,1%. Mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý bình quân trong các DN có báo cáo là 6,57 triệu đồng/người, tăng 10,5% so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và không có doanh nghiệp nợ lương người lao động. Đối với CBCC, viên chức, cùng với việc tăng lương cơ bản, các đơn vị hưởng lương từ NSNN đều tiết kiệm và chi thu nhập tăng thêm từ 1-2 tháng lương. Chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nên đời sống của của CBCC, viên chức tăng hơn. Các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả lương qua hệ thống bưu điện, kịp thời, an toàn, đúng đối tượng, nên đời sống ổn định. Ở khu vực nông thôn, sản xuất vụ đông xuân được mùa, giá sản phẩm đầu ra giữ ở mức cao, nông dân có lãi; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè đạt hiệu quả kinh tế, đã góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Vì thế, đời sống nông dân Bắc Ninh trong 6 tháng đầu năm ổn định và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng DN cùng chia sẻ, hỗ trợ cả về giá trị và hiện vật. Nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành và cộng đồng DN đã tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ trợ giúp xã hội. Kết quả, toàn tỉnh đã tặng 87.817 suất quà đến các đối tượng, với tổng kinh phí trên 53,7 tỷ đồng; so với Tết Kỷ Hợi 2019, tăng 6.508 suất quà và tăng 0,7 tỷ đồng. Thực hiện rà soát, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo và đối tương bảo trợ xã hội ảnh hưởng trong đợt dịch covid-19. Có 37.356 đối tượng chính sách bảo trợ xã hội nhận hỗ trợ 55,8 tỷ đồng; 8.738 người nghèo nhận hỗ trợ 6,5 tỷ đồng; 21.614 người cận nghèo nhận hỗ trợ 16,2 tỷ đồng. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng về lao động, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động do “đại dịch” Covid -19 theo đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ người có công theo Đề án đã được phê duyệt. Dự kiến đến hết tháng 6, sẽ có 683/777 hộ gia đình người có công đã khởi công và hoàn thành và 314 hộ nghèo đã hoàn thành xây dựng nhà ở.
9.2. Lao động và việc làm
Công tác lao động và giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và ưu tiên vào nhóm lao động đã qua đào tạo nghề từ sơ cấp trở lên. Trong 6 tháng đầu năm, các ngành đã phối hợp với các địa phương thẩm định, giải quyết cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm 3.046 lao động có thu nhập ổn định; tổng nguồn vốn cho vay đến thời điểm 22/5/2020 là 253 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay là 145,6 tỷ đồng. Tuyển sinh học nghề 12.740 người, trong đó tập trung hệ sơ cấp 12.159 người, đào tạo dưới 3 tháng 581 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 73,5 %. Tính chung 6 tháng, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 13.700 lao động. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 560 lao động; công nghiệp - xây dựng 11.205 lao động; dịch vụ 1.485 lao động và xuất khẩu 450 lao động. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 763.809 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nhà nước là 54.890 lao động, giảm 0,9%; khu vực ngoài nhà nước là 416.791 lao động, tăng 0,4% và khu vực FDI là 292.128 lao động, tăng 1%. Theo ngành kinh tế, khu vực NLTS có 94.221 lao động, giảm 8,5%; khu vực CN-XD có 430.151 lao động, tăng 2,1%; khu vực dịch vụ có 239.437 lao động, tăng 1,8%.
9.3. Giáo dục - Đào tạo
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã cho học sinh các cấp và sinh viên các trường nghỉ học từ 03/02 đến ngày 04/5/2020 để phòng, chống dịch. Trong thời gian học sinh nghỉ học, các trường học đã thực hiện nghiêm túc và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên, người lao động kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, triển khai các hình thức hỗ trợ dạy và học qua mạng, hướng dẫn học sinh các cấp tự ôn tập, làm bài tập trong thời gian nghỉ học nhằm giúp cho học sinh duy trì nề nếp học tập, củng cố kiến thức. UBND tỉnh đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 như sau: Thời gian hoàn thành chương trình giảng dạy và học tập trước ngày 11/7; kết thúc năm học trước ngày 15/7; xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học, bàn giao học sinh lớp 5 lên lớp 6 năm học 2020-2021 và xét công nhận tốt nghiệp THCS xong trước ngày 31/7; thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 xong trước ngày 15/8; thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 9-10/8. Hiện nay các trường đang tích cực dạy học, tổ chức ôn thi và kiểm tra cuối kỳ đối với các khối học nhằm đảm bảo hoàn thành kết thúc năm học theo đúng kế hoạch đề ra. Tại thời điểm cuối năm học, toàn tỉnh có 501 trường mầm non và phổ thông các cấp với 10.329 lớp học, 344.512 học sinh và 14.757 giáo viên. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2020, toàn tỉnh có 64 học sinh đoạt giải/72 học sinh dự thi, đạt tỷ lệ 88,9%; trong đó, có 08 giải Nhất, 20 giải Nhì và 21 giải Ba (đứng thứ Nhất về chất lượng giải, đứng thứ Hai về tỷ lệ học sinh đạt giải so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng); 08 học sinh đủ điều kiện tham gia dự thi tuyển chọn Đội tuyển quốc gia tham dự khu vực và quốc tế. Thi khoa học kỹ thuật quốc gia và quốc tế có 03 sản phẩm (Dự án) tham dự và đoạt giải. Trong đó có 02 HCV và 01 HCB. 464/466 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 99,6%; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 99,3%.
Đối với kỳ thi THPT năm 2020, toàn tỉnh có 14.089 học sinh khối 12 dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó thí sinh Giáo dục Thường xuyên là 1.187 học sinh. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 700 thí sinh tự do, nâng tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lên gần 14.800. Sở GD-ĐT dự kiến thành lập 27 điểm thi với 620 phòng thi và 1.600 cán bộ coi thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong 2 ngày 9-10/8. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và giao Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và các quy định hiện hành của Nhà nước.
9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động y tế được tăng cường ở tất cả các tuyến y tế, nhất là y tế cơ sở. Với tinh thần chủ động và phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), Bắc Ninh đã sớm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh an toàn và hiệu quả. Tính đến ngày 22/5, trên địa bàn tỉnh có 02 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh (Bệnh nhân là du học sinh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, phát hiện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và 1 bệnh nhân số 262, trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, làm việc tại Công ty SamSung Display Việt Nam); Số trường hợp nghi nhiễm phải theo dõi tại cơ sở y tế: 490 người (hiện còn 01 trường hợp đang theo dõi, cách ly tại BVĐK tỉnh), trong đó 489/490 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; số trường hợp cách ly tại cơ sở tập trung 2.393 người, hiện không còn trường hợp nào đang theo dõi, cách ly. Số trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 5.797 người, hiện không còn trường hợp nào đang theo dõi, cách ly. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh đảm bảo tốt nhu cầu của nhân dân với nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, quy trình, thủ tục khám chữa bệnh được cải tiến, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh cho 947.883 lượt người (giảm 58.997 lượt so với cùng kỳ), trong đó số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế 198.835 lượt, chiếm 21%; điều trị nội trú 85.306 lượt, giảm 19.013 lượt. Công tác tiêm chủng mở rộng duy trì thường xuyên, đảm bảo tiến độ tiêm chủng hàng tháng tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% cơ sở tiêm chủng mở rộng công bố đủ điều kiện; thực hiện chuyển đổi vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) thay thế DPT cho trẻ 18 tháng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tính đến hết 30/4/2020, toàn tỉnh có 7.407 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, quản lý thai nghén, đảm bảo 100% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; thực hiện tốt các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện hiệu quả chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tổng số trẻ sinh ra 6 tháng đầu năm là 9.009 trẻ (giảm 382 trẻ so với cùng kỳ); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 29,1% tăng 3,1%. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 67,9%, tăng 1,3%.
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Trong đó, chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiến thức, thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện quy chế phối hợp trong lĩnh vực An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và trong các KCN.
9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại nhiều địa phương, đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới, treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Các hoạt động được tổ chức trên tinh thần đảm bảo an ninh trật tự, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật, như: Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2020; nghệ thuật đêm giao thừa xuân Canh Tý 2020, chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); hưởng ứng Tuần Văn hóa, Du lịch Bắc Ninh - Hà Nội năm 2020…Bắt đầu từ tháng 2, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động lễ hội đầu xuân, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh bị tạm dừng hoặc hoãn hủy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 với các chương trình được thực hiện trên báo đài, trên loa phát thanh, các pano, áp phích trên các tuyến đường và các khu công cộng, khu vui chơi với tần suất thường xuyên và liên tục nhằm hướng dẫn người dân cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe trước tình hình dịch bệnh. Các ngành, các địa phương cũng tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội, quản lý các dịch vụ kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình trong phòng và chống dịch Covid-19. Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản, di tích văn hóa, lịch sử tiếp tục được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng làng, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa được quan tâm chỉ đạo, nhân dân hưởng ứng.
Thể thao thành tích cao được duy trì, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Bắc Ninh trên đấu trường trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm, đã cử 02 Đoàn tham gia thi đấu giải thể thao quốc tế; cử 11 huấn luyện viên, vận động viên tham gia tập huấn đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia môn Vật, Cầu lông, Judo. Đặc biệt, từ ngày 13-17/6, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức khai mạc Vòng 1, Bảng A, giải Bóng chuyền Vô địch Quốc gia PV GAS năm 2020, với sự tham dự của 10 (5 đội nam và 5 đội nữ). Kết thúc giải, đội nữ Kinh Bắc - Bắc Ninh xếp ở vị trí thứ 2. Phong trào thể dục thể thao quần chúng sau dịch Covid-19 tiếp tục được duy trì và phát triển. Hiện nay, ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đang thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hoạt động thể dục, thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020-2030 và Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Toàn dân tập luyện môn Bơi phòng chống đuối nước năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Bắc Ninh đã thực hiện 1.820 chương trình phát thanh với 3.003 giờ; xây dựng và sản xuất 2.720 chương trình truyền hình với 4.368 giờ. Thực hiện 540 chương trình truyền hình trực tuyến với 360 chương trình truyền hình và 180 chương trình phát thanh. Tổng số lượt người truy cập là 447.000 lượt. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 24/01/2020 trong các bản tin Đài PTTH Bắc Ninh đã dành thời lượng từ 10-15 phút để tuyên truyền về việc phòng, chống dịch bệnh. Tính đến 15/5 Đài PTTH tỉnh đã tổ chức sản xuất, phát sóng được 25 clip, phóng sự ngắn và trên 400 tin tức thời sự về dịch Covid-19.
9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Lực lượng công an trong tỉnh luôn chủ động đối phó và kiên quyết đấu tranh, trấn áp đối với các loại tội phạm nên an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững. Trong đợt dịch Covid-19, toàn ngành cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nắm chắc tình hình người nước ngoài và người Việt nam ở nước ngoài về địa phương; rà soát, xác minh những người tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm, triển khai các chốt kiểm soát liên ngành cấp tỉnh, huyện, xã, sẵn sàng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra cách ly diện rộng. Nắm bắt tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện xử phạt 02 công ty tại KCN Quế Võ có 726 người Trung Quốc lao động không có giấy phép, quản lý chặt chẽ 46.421 lượt người nước ngoài đăng ký tạm trú; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh, chống đối lực lượng kiểm soát phòng chống dịch; nâng khống giá các vật tư, thiết bị, máy móc phục vụ chống dịch để trục lợi....Toàn tỉnh xảy ra 255 vụ phạm pháp hình sự, giảm 27 vụ so cùng kỳ, điều tra làm rõ 220 vụ, 309 đối tượng; bắt giữ, khởi tố 71 vụ với 394 đối tượng đánh bạc; bắt 14 vụ, 83 đối tượng mại dâm; bắt giữ 338 vụ, 564 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
An toàn giao thông: Phát huy những kết quả đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe” và triển khai đồng bộ, sâu rộng tới các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng toàn tỉnh cũng tăng cường tuần tra kiểm soát theo các chuyên đề, đặc biệt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo NĐ100 của Chính phủ; triển khai áp dụng hiệu quả xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát…Tháng 6, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT làm 6 người chết và 6 ngưười bị thương; xử phạt 4.291 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ TNGT đường bộ, làm chết 30 người và bị thương 15 người.
9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Công tác PCCC&CNCH được tăng cường nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư, làng nghề; các cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy nổ, làm 1 người chết và gây thiệt hại về kinh tế hơn 2,5 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, không tăng về số vụ, nhưng tăng 1 người chết. Tính từ ngày 16/12/2019 đến 15/6/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 268 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã xử lý 218 vụ và thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 17 vụ vi phạm, giảm 11 vụ bị xử lý và tăng 1,13 tỷ đồng.
Tóm lại: 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 lây lan rộng trên toàn cầu đã làm ngưng trệ, gián đoạn, làm suy giảm nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội ở nhiều quốc gia, trong cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Trên địa bàn tỉnh, nhiều ngành kinh tế chủ lực đã sụt giảm và kéo tăng trưởng kinh tế giảm 3,3%; thu ngân sách giảm 4,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,7%; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 16,5%.... Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã từng bước đi vào hoạt động trở lại, hồi phục và thiết lập “trạng thái bình thường mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội được giữ vững, đã góp phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những hệ lụy của dịch bệnh đã và vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới và nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ 2” vẫn rất hiện hữu nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống và những ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng của tỉnh rất khó lường. Vì thế, để hoàn thành các mục tiêu năm 2020 mà HĐND tỉnh đã thông qua, với mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 7%; đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm trong thực hiện. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp phát triển KT-XH sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, hỗ trợ cho chăn nuôi để đẩy nhanh quy mô tái đàn. Kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi.
Hai là, ưu tiên giải ngân vốn cho công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu, nhất là hàng nông sản thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp điện tử chủ lực và thực thi chính sách để công nghiệp trong nước liên kết với các DN FDI.
Ba là, tăng cường công tác quản lý đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm, vốn đầu tư lớn, với mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động SXKD do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm là, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội do EVFTA mang lại
Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, ngân hàng, tăng cường huy động vốn; bám sát các chủ trương, định hướng và chỉ đạo của NHNN trên nhằm hỗ trợ có hiệu quả các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Bảy là, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh./.
[1] Kinh tê thế giới đươc UN dự báo giảm 3,2%; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giảm 4,9%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giảm 5,2%; với các nước: Hoa Kỳ (-6,1%), khu vực đồng Euro (-9,1%), Nhật Bản (-6,1%,), Vương quốc Anh (-6,5%), Đức (-7,0%), Pháp (-7,2%), các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (-2,5%),..
[2] 6 tháng 2019, GRDP giảm 2%; trong đó khu vực NLTS giảm 13%, khu vực CN-XD giảm 3,3% (công nghiệp giảm 4%), các ngành dịch vụ tăng 5,4% và thuế sản phẩm tăng 1,3%.
[3] Từ 16/3, Công ty TNHH Lotte Rent - A - Car (100% vốn nước ngoài) đã chuyển trụ sở và hoạt động sang Hà Nội, nên doanh thu và sản lượng vận tải được tính cho Hà Nội.